« Quay lại

Một số lưu ý khi sử dụng khẩu trang

Cập Nhật

Khẩu trang có ba tác dụng chính là ngăn bụi, ngăn hóa chất (kể cả khói xe) và ngăn vi sinh vật.

Hiện nay có loại khẩu trang giấy dùng một lần có nhiều nếp gấp theo chiều dọc nên ôm khít được miệng và mũi nên có tác dụng rất tốt để bảo vệ người đeo.


Khẩu trang vải thông thường có dây đeo vào tai. Khẩu trang bảo hộ lao động cấp cho công nhân chủ yếu là loại này. Khẩu trang vải thông thường chỉ có tác dụng che nắng, cản bụi có kích thước lớn, ngăn được mùi khói xe và nếu người đeo không thanh tẩy trùng trước khi sử dụng sẽ dễ bị nhiễm các bệnh lây nhiễm qua da, bệnh về đường hô hấp... Khẩu trang làm bằng vải thông thường không có tác dụng lọc hơi khí độc (khói, hơi xăng, dầu, than...).

 


Ảnh minh họa


Khẩu trang chứa than hoạt tính lại chia làm 2 loại; loại có lớp vải dệt sợi hoạt tính, may liền; loại có tấm ép than hoạt tính đặt ở giữa 2 lớp vải. Sợi hoạt tính là sợi vải tẩm than hoạt chỉ có tác dụng sau 2 lần giặt. Đối với khẩu trang than hoạt tính được quảng cáo là lớp lót than có tác dụng kéo dài một năm là không đúng. Lớp lót than hoạt tính có thể bị no chỉ sau một vài ngày sử dụng. Đối với khẩu trang than hoạt tính có mùi hôi là do cơ sở sản xuất sử dụng keo để phun cố định các hạt than hoạt tính. Chính những hạt keo khi bao quanh các hạt than sẽ làm lớp than mất tác dụng hấp thu của nó.


Khẩu trang y tế hiện nay thường là loại dùng một lần rồi bỏ.
Trên thị trường có nhiều loại khẩu trang bày bán ở các vỉa hè được may từ những loại vải mốc meo, mút phế liệu và chưa được xử lý giặt tẩy, chứa vô số vi khuẩn đe dọa sức khỏe người sử dụng.

 

Nhiều nơi khẩu trang làm từ nguyên liệu là các loại rác thải bằng vải và không đạt chất lượng. Đặc biệt, đa số các loại khẩu trang được bày bán hiện nay đều có thiết kế không ôm sát phần mũi và miệng người đeo, tạo ra những kẽ hở để vi khuẩn xâm nhập. Vì thế khẩu trang chỉ giúp tránh được bụi phần nào chứ không tránh được các loại vi khuẩn.


Khi mang khẩu trang phải kín cả mũi và miệng. Nếu không thì bụi, hóa chất, vi sinh vật không đi qua bộ phận lọc mà len theo kẽ hở vào thẳng mũi và miệng, chạy sâu vào phổi. Đối với loại khẩu trang đeo sát mũi thì bụi, hóa chất và vi sinh vật vẫn có khả năng thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, cho dù mức độ thấp hơn.

 

Nhiều người có thói quen mua khẩu trang dọc đường rồi sử dụng ngay hoặc treo, móc khẩu trang trên xe, bỏ trong túi áo quần… khiến khẩu trang nhiễm thêm vi sinh vật gây hại do bụi, ẩm, mốc, mùi hôi... Không loại trừ trường hợp bị tái viêm mũi do sử dụng khẩu trang đã nhiễm vi khuẩn trước đó. Do vậy, đối với khẩu trang làm bằng vải thông thường phải giặt sạch sau khi mua.

 

Khi đã sử dụng thì nên giặt mỗi ngày bằng xà phòng và phơi hoặc sấy thật khô sau đó mới sử dụng lại để tránh lây nhiễm bệnh ngay từ chính khẩu trang của mình.


ThS LÊ QUỐC THỊNH